Polaroid

Văn Minh Maya

Nền văn minh Maya là nền văn minh cổ đặc sắc bên cạnh nền văn minh Andes, được xây dựng bởi người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ mà từ 2000 năm trước đây đã từng sinh sống ở bán đảo Yucatán của Trung Mỹ, thuộc đông nam Mexico, Bắc Guatemala và Honduras ngày nay. Nền văn minh Maya đạt một trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ cả lĩnh vực kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian. Căn cứ vào các di vật khám phá ngày càng phong phú, người ta xác định được rằng vào khoảng thế kỷ thứ 1 các quốc gia cổ đại của người Maya đã được thành lập. Phần lớn các quốc gia người Maya bị diệt vong do nhiều lý do ở vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10. Duy chỉ có quốc gia thành thị trên bán đảo Yucatán, thuộc Mexico tiếp tục tồn tại cho đến khi thực dân Tây Ban Nha đến xâm chiếm vùng này vào thế kỷ 16. Hậu quả của cuộc xâm lăng đã tàn phá rất nhiều các di sản của người Maya. Nền kinh tế của người Maya chủ yếu dựa vào nông nghiệp và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như khí hậu. Các sản phẩm trồng trọt của người Maya chủ yếu là ngô, đậu, cà chua, bí đỏ, ca cao... Người Maya cũng lấy chăn nuôi làm sản phẩm chính sau trồng trọt. Họ chăn nuôi các loại động vật như, chó, gà, hươu, nai, chim, ong mật... Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Maya cũng đạt đến một trình độ rất cao. Ngoài ra, người Maya còn biết làm muối với những khu vực rộng lớn và độc đáo. .
Khảo cổ học chứng minh rằng người Maya có những công trình xây dựng đầu tiên có niên đại vào khoảng năm 1000 TCN. Có một vài bất đồng quan điểm về ranh giới văn hóa và địa lý của Maya cổ với những nền văn minh Trung Mỹ tiền cổ điển lân cận, bởi vì có rất nhiều nền văn hóa có những khu vực trùng lấp và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng về sau có sự phát triển riêng và tạo ra văn hóa đặc sắc riêng của mình. Những công trình đầu tiên của người Maya là những ngôi mộ đơn lẻ trên các đồi cao, tiền đề cho những kiến trúc kiểu kim tự tháp được xây dựng về sau này. Cuối cùng, văn hóa Olmec lụi tàn sau khi ảnh hưởng đến bán đảo Yucatán, ngày nay thuộc Mexico, và các vùng khác ở Nam Mỹ. Những bằng chứng về văn minh Maya có các thành phố nổi tiếng Tikal, Palenque, Copán và Kalakmul, cũng như Dos Pilas, Uaxactun, Altun Ha, Bonampak và rất nhiều vị trí khác trong vùng. Họ chứng minh cho thấy một trình độ cao về nông nghiệp, các trung tâm đô thị sầm uất của nhiều quốc gia đô thị độc lập. Rất nhiều các công trình tôn giáo kiểu kim tự tháp nổi tiếng của họ được xây dựng trong các trung tâm quyền lực của người Maya. Rất nhiều các tác phẩm chạm khắc trên phiến đá còn lại ngày nay (người Maya gọi là tetun, hoặc là cây-đá), khắc chữ tượng hình mô tả về sự cai trị theo phả hệ, các chiến thắng của cuộc chiến, và các thành tựu khác. Người Maya đã có quá trình buôn bán lâu dài ở Trung Mỹ và có lẽ còn xa hơn nữa. Những sản vật được buôn bán trao đổi chính là cacao, muối và đá vỏ chai (obsidian).
Nền văn minh Maya có nhiều thành tựu trong lĩnh vực kĩ thuật công nghệ. Những thời kỳ đầu, thuộc thời đại đồ đá, người Maya đã sử dụng và chế tác thành thạo các dụng cụ cắt gọt từ đá núi lửa (obsidian), về sau người Maya đã biết đến kim loại khá sớm. Một vấn đề đã được giải thích khá sáng tỏ về các con đường lớn tại sao không được xây dựng ở đây, đó là do ở châu Mỹ không có các loại gia súc như bò, ngựa hay la để phục vụ cho việc kéo xe. Một kỹ thuật nổi trội của người Maya là biết sử dụng và chế biến cao su đã lưu hóa vào các dụng cụ và thể thao hàng ngày. Người Maya gây kinh ngạc cho những người Tây Ban Nha thời kỳ đầu ở các trò chơi bằng bóng cao su và sức khỏe của dân da đỏ rất tốt. Những sân chơi bóng của người Maya khổng lồ và có số lượng người tham gia và đến xem cổ vũ rất lớn, một sinh hoạt có tính cộng đồng rất cao. Người Maya biết sử dụng cao su bọc lót cho các dụng cụ có tay cầm như, dao, vũ khí... và biết làm ra những đôi giày từ cao su không thấm nước. Người Maya biết nắm chắc kỹ thuật làm muối và sử dụng chúng như những hàng hóa để trao đổi với các cư dân khác trong vùng. Những di chỉ làm muối khổng lồ đã được khám phá. Việc xây các kim tự tháp của người Maya được tính toán rất chính xác theo các quan niệm vũ trụ và các loại lịch của họ, họ gi chép và tính toán khá chính xác các chu kỳ thiên nhiên tại đây và có các biện pháp để đối phó. Họ sử dụng các thiết kế về thời gian và tạo ra những chiếc "đồng hồ" các dạng để xác định thời gian. Nhiều bí mật về công nghệ còn được khám phá, nhưng những di sản của người Maya gây không ít kinh ngạc cho các nhà khảo cổ học của Cựu Thế Giới
Cùng phát triển với các nền văn minh Trung Mỹ khác, người Maya sử dụng hệ đếm nhị thập phân (vigesimal) và hệ ngũ phân (xem chữ số Maya). Hệ ngũ phân trên cơ sở so sánh với số ngón tay của một bàn tay, còn nhị thập phân là toàn bộ số ngón tay và ngón chân. Trong tiếng Quiche, từ chỉ số 20 là huvinak, có nghĩa là "toàn thân". Ngoài ra, người Maya đã phát triển khái niệm "số 0" vào năm 357, sớm hơn châu Âu khoảng gần 900 năm. Văn bản cổ cho thấy, những người Maya, có nhu cầu công việc cộng vào hàng trăm triệu và số ngày lớn đòi hỏi phải có phương cách chính xác để thực hiện chúng. Kết quả tính toán về thiên văn học theo một không gian và thời gian dài là cực kỳ chính xác; bản đồ về sự vận động của Mặt Trăng và các hành tinh là ngang bằng hoặc vượt xa các văn minh khác quan sát vũ trụ bằng mắt thường. Lịch MayaNgười Maya xác định chính xác độ dài của một năm gồm 365 ngày, thời gian Trái Đất quay hết một vòng quanh Mặt Trời, chính xác hơn rất nhiều lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó (lịch Gregory). Có giả thiết cho rằng người Maya đã kế thừa cách tính lịch từ các nền văn minh cổ Zapotecs (ở Mont Alban) và Olmecs (ở La venta và Tres Zapotes)[1]. Tuy thế, người Maya lại không sử dụng độ dài tính toán thời gian một năm vào lịch của họ. Người Maya sử dụng lịch (gọi là lịch Maya) trên cơ sở năm Mặt Trời với 365 ngày. Một năm Mặt Trời được chia thành 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày (dùng hệ đếm cơ số 20), năm ngày còn lại được đưa vào cuối năm. Các ngày trong tháng được ghi bằng số thứ tự từ 0 đến 19 trước tên tháng (0 đến 4 cho tháng thiếu, cuối năm có 5 ngày). Theo lịch này, các năm nối tiếp nhau không ngừng, không có năm nhuận. Như vậy kết quả là lịch sẽ bị sai lệch lùi về một ngày trong vòng 4 năm. Khi so sánh với lịch Julius, dùng ở châu Âu từ thời Đế quốc La Mã cho đến tận thế kỷ 16, thì độ sai số cho một ngày là mỗi 128 năm; với lịch Gregory hiện đại, thì sai số sấp xỉ một ngày mỗi 3.257 năm.

»Sự Biến Mất Của Maya

Copyright © by Tokarin
Bộ đếm cho blog